Người thầy không phải là “con người tròn trĩnh”
Con người không bao giờ là nguyên phiến, người thầy cũng vậy...
Chia sẻ của thầy Huỳnh Văn Thống (giáo viên dạy Văn Trường THPT Quế Sơn, Quảng Nam) tại hội thảo "Dạy văn, dạy người - Hành trình từ trái tim đến trái tim" mới đây mang một lời nhắc khéo về chân dung người thầy cũng như về sự tôn vinh của xã hội với nghề giáo.
Nói về vai trò của môn Văn, thầy Thống bàn thêm về vấn đề "dạy người" hiện nay.
Thực trạng nhức nhối về một số hiện tượng đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục những năm gần đây đang tạo nên những "phản quang" dữ dội trên tấm gương người thầy. Đã có lúc ở một vài góc cạnh, tấm gương ấy có chút chuyển màu. Việc “dạy người” trong giáo dục nói chung ít nhiều có bị ảnh hưởng.
Một số hiện tượng đáng buồn về nghề giáo làm cho không ít người lo lắng. Là người được nhiều thế hệ học trò yêu mến nhưng thầy Thống chia sẻ rằng, con người không bao giờ là nguyên phiến, và không ai dám tự nhận mình là tấm gương sáng.
Người thầy cũng vậy, có đúng có sai, có những cái sai chấp nhận được và có những cái sai không thể chấp nhận. Không ít trường hợp người thầy sai trái đến mức méo mó trước những va vấp từ cuộc đời.
Chỉ có điều, cái sai - đúng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến một gia đình, một làng xóm, còn sai - đúng của người thầy sẽ ảnh hưởng đến một phạm vi xã hội rộng lớn hơn. Bởi người thầy luôn đứng trước học sinh, đối diện với dư luận xã hội.
Thầy giáo dạy Văn cũng cho rằng, chính chân dung người thầy cũng trở thành một bài học sinh động về “dạy người” cho học sinh.
Mà ở đó, không ai dám nói mình tránh được sai lầm trong cuộc sống, người thầy hãy mạnh dạn đối diện với đúng sai. Qua đó để thường xuyên nhìn lại mình, tự dặn lòng, để ít nhất cũng mang đến được học trò mình một niềm tin nào đó.
Gồng gánh sự tôn vinh
Dịp 20/11, khắp nơi chúng ta lại thấy những hoạt động, kêu gọi tôn vinh người thầy. Ở các thành phố lớn, băng rôn chào mừng ngày tôn vinh thầy cô giáo treo khắp các con đường.
Nhớ ơn thầy cô là một truyền thống tốt đẹp cần được gieo vào lòng con trẻ, trong hành trình trưởng thành của các em.
Thế nhưng, thiết nghĩ cũng đã đến lúc mọi người, xã hội, các cấp quản lý cần "tiết chế" sự tôn vinh thầy cô, để họ không chỉ làm tốt nhiệm vụ mà còn được sống đúng với con người, cuộc đời của mình. Đừng để họ vào thế bất đắc dĩ trở thành "diễn viên" khi phải đeo lên mình chiếc mặt nạ khác vì áp lực và cả kỳ vọng của xã hội.
Có trường hợp, giáo viên mầm non có hành vi mắng mỏ, xúc phạm trẻ xảy ra tại một trường trung tâm TPHCM, sau đó bị tạm đình chỉ công tác. Mọi người té ngửa khi cô là gương sáng nhiều năm được ngành tuyên dương, lên báo với những câu chuyện yêu thương học trò, hy sinh vì nghề rất xúc động.
Có trường hợp, cô giáo nhiều năm dạy học ở vùng cao, xa nhà, gửi con cho ông bà, vài năm không gặp con... Đi cùng đó là những câu chuyện rớt nước mắt với những những giấy khen, đánh giá ca ngợi cô đã hy sinh cuộc đời riêng vì học trò.
Nhưng chua chát thay, bản thân cô và những người thân quen đều hiểu, từ lâu cô muốn chuyển về gần nhà, nuôi dạy con nhưng... chưa được. Chua chát cho hoàn cảnh của cô và cho những gì cô đang phải "diễn".
Người thầy không phải là "tấm gương tròn trĩnh"
Cũng như mọi năm, nhân dịp Ngày Nhà giáo, chúng tôi - những phóng viên mảng giáo dục lại tìm viết bài chân dung thầy cô. Năm nay, điều khiến tôi ấn tượng là sự "rào đón" của hai cô giáo.
Một cô giáo đã về hưu cảnh báo: "Khi đi dạy tôi rất dữ với học trò nha, không có hiền lành, dịu dàng như mọi người nghĩ về hình ảnh "mẹ hiền" đâu. Nhiều học trò thương nhưng cũng nhiều em ghét tôi lắm".
Một cô giáo dạy trẻ đặc biệt cũng chia sẻ: "Mình cũng là con người, có buồn, có vui... Trong công việc, tôi cũng có lúc la mắng học trò, có sai lầm ".
Các cô không phải là những "tấm gương tròn trĩnh" như hình ảnh người thầy mà mọi người thường tô vẽ. Họ đã thẳng thắn nhìn vào con người, vào hạn chế của mình.
Đó cũng là lời nhắc nhở với những người cầm bút và với tất cả mọi người - cần khách quan và cả sự cảm thông đối với người thầy.
Trước khi để làm được điều gì thật sự cho học trò, cho xã hội, người thầy cần được sống thật cuộc đời của chính mình.
Giáo viên đâu cứ phải đương đầu, chấp nhận khó khăn, nghịch cảnh, hy sinh... thì mới là yêu trò, yêu nghề?
Tôn vinh nhà giáo là cần thiết nhưng đừng đẩy thành những lời lẽ ca tụng thái quá, đừng khoác lên thầy cô những chiếc áo quá rộng...
Khi mong chờ, tôn vinh người khác gánh gác những trọng trách quá sức, có thể lắm, chúng ta - những người còn lại - đang quên đi trách nhiệm, vai trò của chính mình.
Hoài Nam