Sĩ Đức Quang xuất thân từ gia đình bán đậu phụ trở thành giáo sư toán học trẻ nhất năm 2019
Xuất thân trong một gia đình khó khăn, bố mẹ làm nghề làm đậu phụ, từ quê (Thuận Thành, Bắc Ninh) lên thành phố Hòa Bình để mưu sinh. Cả nhà sống trong một căn nhà thuê 15m2. Chính từ khó khăn đó đã thôi thúc cậu bé ham học Sĩ Đức Quang trở thành người được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2019.
Tân giáo sư toán học Sĩ Đức Quang
Phó Giáo sư Sĩ Đức Quang Khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (sinh năm 1981) vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn Giáo sư 2019 – anh là giáo sư trẻ nhất năm nay.
Xuất thân từ gia đình bán đậu phụ
PGS Sĩ Đức Quang xuất thân trong một gia đình khó khăn, bố mẹ làm nghề làm đậu phụ, từ quê (Thuận Thành, Bắc Ninh) lên thành phố Hòa Bình để mưu sinh. Cả nhà sống trong một căn nhà thuê 15m2.
Suốt tuổi hoa niên của mình trên đất Hòa Bình, Quang chưa bao giờ có một góc học tập riêng. Hàng ngày, anh học bài trên một cái bàn mà mẹ kê tạm cho anh ngoài lán. Là con út nên anh được hưởng sự ưu ái “đặc biệt” của cả gia đình dành cho mình là được học đến nơi đến chốn. Bốn người anh chị trên anh, chỉ có một chị lớn được học đến lớp 12, còn lại đều phải bỏ học giữa chừng.
Sĩ Đức Quang lúc ấy học giỏi đều các môn, trong đó có cả văn và toán, nên khi học ở Trường THCS Sông Đà (Hòa Bình), năm nào Quang cũng đi thi học giỏi văn. Khi thi vào cấp 3, Quang đỗ cả chuyên toán và chuyên sinh của Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ. Do yêu thích môn toán từ bé nên Quang chọn học chuyên toán mặc dù điểm đỗ không cao.
Trong lớp chuyên toán của Quang, hầu như ai cũng đều từ các lớp toán trường chuyên của huyện lên, có lẽ chỉ mình Quang là từ học sinh lớp thường trường thường, nên việc học toán của Quang khá chật vật trong học kỳ đầu tiên.
“Có nhiều kiến thức các bạn ai cũng biết hết rồi (do được học chuyên từ bé), mà tôi lại chưa hề biết gì, thầy giáo lại quen dạy cho học sinh chuyên nên lướt rất nhanh. Nên tôi lại phải tự học, tự đọc, sang học kỳ 2 năm lớp 10 thì đuổi kịp các bạn, đến lớp 11 thì mọi chuyện suôn sẻ hơn, lớp 12 thì được vào đội tuyển của tỉnh đi thi học sinh giỏi toán quốc gia và đạt giải nhì” – Quang chia sẻ.
Khi Quang học ĐH năm thứ 2 thì bố mẹ cùng anh trai rời Hòa Bình xuống thuê nhà ở Hà Nội để tiếp tục nghề làm đậu phụ, thời gian này gia đình Quang bắt đầu đỡ khó khăn (lúc đó 3 chị gái lớn đã lập gia đình). Quang ra trường được 1 năm thì bố mẹ về quê sinh sống.
Quang tâm sự: "Hồi đó tôi được học lớp chất lượng cao, nên có học bổng, khoảng 200.000 – 240.000 đồng/ tháng. Cơm căng tin thì chỉ 3.000 đồng/ suất, được ở KTX miễn phí. Mà hồi đó nhu cầu của tôi cũng chỉ đủ ăn với có thời gian để học, nên 4 năm đại học của tôi trôi qua êm đềm. Thậm chí hè về quê, tôi còn thỉnh thoảng biếu bố mẹ được khoảng trăm nghìn đồng".
Thầy giáo Sĩ Đức Quang trao đổi với sinh viên
Được đi học đã là một hạnh phúc
Chia sẻ về con đường học tập của mình, tân giáo sư Sĩ Đức Quang tâm sự: “vì hoàn cảnh gia đình mà từ bé tôi đã ý thức được rằng, được đi học thôi cũng là hạnh phúc. Vì thế mà trong thời kỳ đi học tôi đã tận hưởng được niềm vui của việc học, một cách vô thức”.
Nhưng một trong những cái mốc khiến cho Quang cảm thấy yêu thích toán hơn, đó là một lời khen của cô giáo dạy toán khi Quang mới vào học lớp 6.
“Lớp tôi là lớp 6A, lớp tốt nhất của trường, nên trong lớp có nhiều bạn giỏi lắm, mà tôi thì thuộc loại làng nhàng. Nhưng hôm đó có một bài tính nhẩm, tôi nhanh nhất lớp, được cô khen. Thế là thấy phấn chấn, có động lực học, mà vì thế mà ngày càng học toán tốt hơn”.
Do hoàn cảnh gia đình nghèo khó của mình, Sĩ Đức Quang xác định chọn thi vào Học viện Kỹ thuật quân sự để được “nhà nước nuôi”, ra trường không phải lo đi xin việc. Với lại trong con mắt của Quang thì hình ảnh người lính bảo vệ Tổ quốc là một hình ảnh đẹp. Do vậy, Quang chỉ nộp 1 hồ sơ duy nhất vào Học viện Kỹ thuật quân sự.
Sau khi được giải quốc gia về toán nên Quang được quyền vào thẳng vào đại học. Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng, Quang bị rơi vào một cảm giác rất bần thần, nuối tiếc những năm tháng êm đềm được say sưa học toán. Rồi cảm giác như mình sắp có một mất mát lớn sau khi rời trường phổ thông để vào học ở đại học và không còn được học toán nữa.
Rồi một hôm có người bạn cho biết là từ vài năm nay nhà nước có chính sách miễn học phí cho SV vào học sư phạm. Quang bắt đầu tìm hiểu và quyết định tiếp tục học toán nên đã đăng ký xét tuyển thẳng vào Khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Niềm đam mê học toán đã được toại nguyện và mở ra nhiều lựa chọn cho Quang. Vào đại học, Quang nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà nghiên cứu toán học và phải học thật tốt, phải có học bổng ra nước ngoài học để học sau ĐH.
Nhiều người học toán, nghiên cứu toán, tâm lý chung là “ngại” học hình, nhất là hình vi phân, vì khó quá, trừu tượng quá nhưng Quang lại thấy rất thích, rất hứng thú. Sau khi tốt nghiệp đại học với kết quả học tập xuất sắc, Quang được giữ lại trường làm giảng viên.
Lúc đó, lương của giảng viên mới rất thấp được khoảng 500.000 đồng/tháng, Quang phải trả tiền thuê nhà 200.000 đồng/tháng nên Quang đã phải đi dạy thêm, đi gia sư để trang trải thêm cuộc sống và dành thời gian nghiên cứu toán.
Vì đã chọn hướng nghiên cứu vào loại “khó nhằn” của toán học nên khi học lên cao học, Quang được học với thầy Đỗ Đức Thái. Quý mến cậu học trò nhiều nghị lực này, thầy Thái đã giới thiệu Quang với GS Noguchi Junjiro (lúc đó là chuyên gia hàng đầu thế giới về lý thuyết phân bố giá trị) ở ĐH Tokyo, Nhật Bản. Thời điểm đó, đã có một số bài báo để chứng tỏ được khả năng của bản thân, nên GS Noguchi đồng ý nhận Quang làm nghiên cứu sinh.
Người đầu tiên gây dựng nhóm nghiên cứu về lĩnh vực lý thuyết phân bố giá trị
Ở Việt Nam có một người nghiên cứu về lý thuyết phân bố giá trị là GS Hà Huy Khoái, và học trò của thầy là PGS Tạ Thị Hoài An. Nhưng GS Khoái và PGS Hoài An nghiên cứu chủ yếu trên trường P-adic, còn nhóm của Quang làm trên trường số phức (hướng nghiên cứu này ở VN có một người đã từng làm là GS Lê Văn Thiêm nhưng không có học trò nào kế tiếp).
Như vậy có thể nói nhóm nghiên cứu của Quang ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội là nhóm đầu tiên “nối nghiệp” thầy Thiêm và Quang là một trong những người đầu tiên gây dựng nhóm đầu tiên đó.
Trong con đường nghiên cứu toán học của mình, Quang mơ ước có bài đăng tạp chí quốc tế tốp 4 thế giới trong lĩnh vực toán học, trong khi đó từ xưa đến nay Việt Nam mới chỉ có vài ba nhà toán học nghiên cứu trong nước làm được điều này.
Quang tâm sự: “Bất kỳ người làm toán nghiêm túc nào cũng có ước mơ đó chứ không chỉ riêng tôi. Với ngành toán, việc công bố nhiều hay ít không còn quan trọng nữa, vì việc công bố là một chuẩn mực rồi. Nên nhà toán học nào cũng mong muốn làm được những công trình có chất lượng nhất trong khả năng của mình”.
Mình phải tự làm thì mới dạy người khác được
Sĩ Đức Quang đã được Hội đồng Giáo sư nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư. Thời gian tới, sẽ được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội bổ nhiệm chức danh GS, nghĩa là người dẫn đầu cho một lĩnh vực nghiên cứu của trường.
Tân giáo sư Sĩ Đức Quang tâm sự: “Sau khi trở thành giáo sư thì tôi sẽ phải có ý thức hơn về sự đóng góp của mình với cộng đồng khoa học, với việc nâng cao chất lượng đào tạo các thế hệ kế cận như thế nào”.
Nói về việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay, tân giáo sư Sĩ Đức Quang cho rằng, để thay đổi nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố quan trọng nhất là vai trò của người thầy. Người thầy phải làm sao cho học sinh hiểu được ý nghĩa của việc học, phải làm sao để các em xem việc học là chiếm lĩnh tri thức chứ không phải học đối phó. Tức là việc học làm thay đổi con người về mặt tư duy, chứ không phải cố gắng nhớ để đi thi.
“Khi dạy sinh viên, chúng tôi rèn sinh viên theo hướng yêu cầu các em cố gắng tự mình tư duy mỗi khi được giao bài tập, không nên đưa ra lý do là vì dạng bài này thầy chưa chữa nên bọn em không làm được. Để làm thầy thì các em phải cố gắng tự tư duy thì sau này mới dạy cho học trò phương pháp tư duy. Mình phải tự làm thì mới dạy người khác được” – tân giáo sư chia sẻ.
Việt Hưng