Kinh nghiệm đọc sách cho developer
Kinh nghiệm đọc sách cho developer
Bạn có 2 cách để trở nên khôn ngoan, kinh nghiệm hơn, tính cả trong lập trình phần mềm lẫn trong cuộc sống. Cách thứ nhất, cũng là cách tốt nhất, đó là bạn tự mình trải nghiệm thực tế. Cách thứ hai, ít hiệu quả hơn, đó là bạn lấy trộm sự khôn ngoan, hiểu biết của kẻ khác. Mỗi cách đều có ưu nhược riêng. Đối với cách thứ nhất, bạn cần bỏ thời gian, công sức, tiền bạc, đôi khi là cả mạng sống để có thể thu được chút ít kinh nghiệm. Đối với cách thứ hai, mình có thể tóm gọn như thế này, giữa việc biết “làm sao để khôn ngoan” và khôn ngoan là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau.
Sự hiểu biết thông qua sách vở và trải nghiệm thực tế luôn bổ trợ cho nhau. Bạn hoàn toàn có thể đạt được sự hiểu biết, kinh nghiệm thông qua trải nghiệm thực tế mà chẳng cần bất cứ quyển sách nào. Khó ở chỗ bạn chỉ có vài chục năm để học hỏi, quá ngắn ngủi để có thể tự mình tìm ra mọi thứ. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đọc sách, cần học hỏi từ những bộ óc thông minh nhất, những người thầy vĩ đại nhất.
Mình nhận thấy có 2 kiểu developer, một là không bao giờ đụng đến bất cứ một quyển sách nào. Nếu bạn thuộc kiểu này, mình không muốn trình bày dài dòng về lợi ích của việc đọc sách, nhưng mình nghĩ bạn nên bắt đầu tập thói quen đọc, chúng ta sinh ra là để hiểu thế giới này mà. Kiểu còn lại, kiểu này có khi còn nguy hiểm hơn kiểu kia, đó là kiểu đọc theo phong trào. Những developer này tin vào những bài quảng cáo trên internet của các hiệu sách rằng “đọc 10 quyển sách này để thành công”, “đọc 7 quyển sách kia để làm giàu”… Kết quả là họ mơ mộng rằng họ chỉ cần đọc xong sách là sẽ thành công, sẽ giàu. Thật ra đúng là 10 quyển sách đó có thể giúp người đọc thành công, nhưng cần thêm một vế nữa, đó là “đọc 10 quyển sách này, áp dụng vào cuộc sống, công việc của bạn, giữ lại những gì bạn cảm thấy có ích, vứt bỏ những gì bạn thấy không phù hợp, cuối cùng, rút ra kinh nghiệm của riêng bạn, sau đó bạn sẽ thành công”.
Đấy là một vài suy nghĩ của mình về việc đọc sách nói chung, ở bài này, mình muốn bàn luận với bạn về một vài kinh nghiệm của mình trong việc đọc sách kỹ thuật, non-fiction. Thật ra thì cũng không hẳn là kỹ thuật, mình chỉ nói thể để phân biệt với những bộ tiểu thuyết, ngôn tình kiểu như 50 sắc thái, Lolita…
Một vài loại sách
Chỉ tính riêng trong ngành lập trình phần mềm của chúng ta cũng đã có khá nhiều loại sách khác nhau. Mỗi loại cần có một cách tiếp cận thích hợp.
Sách thuần kỹ thuật, công nghệ
Đây là loại sách mình ít đọc nhất. Đa số là những quyển mình đọc khi mới bắt đầu học lập trình. Loại sách này tập trung vào dạy ngôn ngữ lập trình, công nghệ mới từ cơ bản cho đến nâng cao. Ví dụ như series Head First (Head first C#, Head first Java…), series Fundamental… Những cuốn sách dạng này có cấu trúc kiến thức vô cùng chặt chẽ, trình bày những vấn đề cốt lõi, nền tảng nhất, cực kỳ phù hợp cho những bạn mới bắt đầu.
Dòng sách này còn có những quyển trình bày các vấn đề sâu sắc, nền tảng, ngóc ngách sâu xa nhất của một ngôn ngữ, công nghệ nhất định. Nếu như bạn đã có một vài năm làm việc với một ngôn ngữ lập trình và muốn đạt tới một tầm cao mới, trở thành một chuyên gia của ngôn ngữ đó thì bạn nên tìm đọc những quyển dạng này. Ví dụ như C# với quyển “C# in depth”, Javascript với quyển “You don’t know Javascript”…
Sách về kỹ năng, kinh nghiệm kỹ thuật
Những kỹ năng kỹ thuật mà bạn cần có trong sự nghiệp của một developer và cách để cải thiện những kỹ năng đó. Thường là các vấn đề liên quan đến code, ví dụ như làm sao để cấu trúc code, viết code sạch đẹp, làm sao để làm việc với code lâu năm, code đểu, làm sao để refactor code… Những cuốn sách dạng này thường do những bậc lão thành với kinh nghiệm đầy mình viết, hiếm developer trẻ nào dám đụng đến những chủ đề nhạy cảm như vậy. Một vài quyển nổi bật mà có thể bạn sẽ biết là Clean code, Code complete…
Sách về các kiến thức, kỹ năng liên quan
Có thể bạn không tin mình, nhưng kiến thức kỹ thuật không làm nên một developer tầm cỡ, chúng ta cần nhiều hơn thế. Dạng này gồm có những quyển sách được các developer có kinh nghiệm dùng để cho chúng ta những lời khuyên về con đường sự nghiệp, về soft skill…, cùng với tất cả những quyển sách về kiến thức khác như tài chính, marketing, education…
Đọc sao cho hiệu quả
Áp dụng vào thực tiễn
Với sách kỹ thuật, bạn không nên đọc cho vui, nếu bạn muốn vui thì hãy xem hài. Để có thể biến những kinh nghiệm trong sách thành kinh nghiệm của bản thân, chúng ta cần áp dụng những kiến thức đã đọc được trong sách vào công việc hàng ngày. Giả sử như bạn đọc quyển Clean code, hãy cố gắng áp dụng những kiến thức về cách cấu trúc code, các đặt tên biến tên hàm mà tác giả đã trình bày vào code của bạn. Dĩ nhiên là bạn không thể áp dụng hết tất cả mọi thứ, bạn chỉ cần áp dụng những điều mà bạn cảm thấy hay ho nhất là được. Nhiều người đọc cả tá sách nhưng chẳng thể nhớ được mình đã đọc gì, lý do là bởi họ không thử áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống.
Đừng đánh giá quá vội
Khi bạn gặp một vấn đề, ý tưởng hay kiến thức mới mà bạn không thể nào hiểu nổi, hoặc thấy nó quá sai thì đừng vội nghĩ rằng tên tác giả này chẳng biết cái gì. Có thể là tên tác giả không biết gì thật, nhưng cũng có một khả năng là bạn mới là người không biết gì. Cẩn thận với khả năng đánh giá của bản thân.
Đừng quá tin tưởng
Một sai lầm khác mà mình thấy mọi người thường mắc phải là quá tin tưởng vào tác giả. Khi đọc đủ nhiều, trải nghiệm đủ nhiều thì mỗi chúng ta đều có khả năng nhìn nhận vấn đề dựa trên kiến thức, kinh nghiệm riêng của bản thân. Bạn cần dùng kỹ năng đánh giá để phân biệt đâu là lời khuyên hợp lý, đâu là thứ cần bỏ đi. Nhưng hãy cẩn thận, có thể bạn không tin tác giả vì bạn đủ kiến thức để hiểu đâu mới là thứ có lợi cho bạn, nhưng cũng có thể là bởi bạn quá tệ để hiểu được tác giả đang muốn nói gì.
Kết thúc quyển sách mà bạn đã bắt đầu
Mình không cần biết quyển sách đó dở hay hay, một khi bạn đã quyết định đọc trang đầu tiên của nó thì bạn cần kết thúc nó. Không có quá nhiều thứ để giải thích, nhưng nếu bạn không thể kết thúc một quyển sách thì làm sao bạn có thể kết thúc 100 quyển chứ.
Sử dụng audio khi bạn có thể
Developer chúng ta đều là những gã bận rộn, mình biết như thế. Vì vậy, nếu có cơ hội, bạn nên nghe audio book thay cho sách thông thường. Bạn có thể nghe audio book trong lúc tập gym, lúc chạy bộ… Tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Tất nhiên là audio book chỉ có thể áp dụng cho những quyển sách không quá thuần kỹ thuật.
Kết
Thế là đủ rồi. Bây giờ thì bạn nên kiếm một quyển sách hay và đọc thôi.
Đó là tất cả những gì mình muốn nói với bạn hôm nay. Take care!