Sách của nhà văn Nobel 2019 khó đọc, bán 200 bản ở VN
Dịch giả nói tác phẩm của Peter Handke khó đọc, trong khi đại diện đơn vị phát hành cho biết số sách bán ra chưa quá 200 bản.
Viện Hàn lâm Thụy Điển vừa công bố chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2019 thuộc về nhà văn Áo Peter Handke. Nhà văn, nhà viết kịch, dịch giả người Áo có sự nghiệp đồ sộ, với nhiều tác phẩm ở các thể loại khác nhau. Tuy vậy ở Việt Nam mới có một tác phẩm của ông được xuất bản. Sách Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình do Ngụy Hữu Tâm chuyển ngữ, nhà xuất bản Đà Nẵng và Domino Books phát hành giữa năm 2019.
"Peter Handke đoạt Nobel là đương nhiên"
Vốn là người làm về vật lý, sống ở Đức nhiều năm, lại cùng thế hệ với nhà văn Peter Handke nên dịch giả Ngụy Hữu Tâm tìm được nhiều đồng cảm trong tác phẩm của tác giả vừa đoạt giải Nobel. Dịch giả Hữu Tâm cho biết Peter Handke hơn ông một tuổi, nên có những tương đồng trong trải nghiệm về chiến tranh, hậu chiến, thời kỳ cách mạng kỹ thuật thay đổi lớn lao thế giới.
Dịch giả Ngụy Hữu Tâm (phải) và bìa sách do ông chuyển ngữ. |
Là người lớn lên ở Đức, dịch giả Ngụy Hữu Tâm từ lâu đã yêu thích các tác phẩm của Peter Handke. “Tôi yêu thích tác phẩm của ông, lại biết tiếng Việt nên muốn chuyển tải ý nghĩ, thông điệp của ông tới bạn đọc Việt”, dịch giả Ngụy Hữu Tâm nói.
Về giải Nobel cho Peter Handke, dịch giả Ngụy Hữu Tâm nói: “Ông ấy đoạt Nobel là tất yếu. Tôi không lạ khi Peter Handke được giải, mà chỉ bất ngờ chút vì ông được hơi sớm, vào năm nay. Cuộc ganh đua cho giải Nobel chắc chắn có nhiều người sáng giá; nhưng người xứng đáng đã được tôn vinh”.
Ở châu Âu nói chung và cộng đồng Đức ngữ nói riêng, Peter Handke rất nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sau Thế chiến thứ hai. Ông viết nhiều, tác phẩm phong phú, nhưng tới nay dịch giả Ngụy Hữu tâm mới dịch một cuốn. “Truyện ấy hay, nhưng hơi khó đọc. Sách ra được vài tháng nay, chắc khó bán. Tôi buồn vì người đọc không nhiều”, dịch giả chia sẻ.
Dịch giả Ngụy Hữu Tâm cũng tỏ ra tiếc nuối khi ở ta văn học Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc phổ biến. Trong khi đó văn học Đức ngữ chưa được biết đến nhiều, Peter Handke là một điển hình.
Hy vọng sau Nobel nhiều bạn đọc tiếp cận tác phẩm
Đại diện nhà sách Domino Books, đơn vị phát hành Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình - cho biết sức bán tác phẩm không tốt. “Tác phẩm này khó đọc, tác giả chưa được nổi tiếng ở Việt Nam. Cuốn này chúng tôi vẫn gửi ở các nhà sách, nhưng lượng tiêu thụ báo về không khả quan. Đến nay đã tiêu thụ được khoảng 100-200 bản”, đại diện công ty phát hành nói.
Trước khi đầu tư làm Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình, công ty sách đã lường trước đây sẽ là một tác phẩm không dễ phát hành. “Chúng tôi quen dịch giả, được dịch giả giới thiệu tác phẩm. Với bản dịch hấp dẫn, dù xác định sẽ là một cuốn sách không dễ đọc, nhưng nó có nhiều điểm thú vị, đặc biệt nên chúng tôi vẫn quyết định làm”, vị đại diện nói.
Sau khi tác giả Peter Handke đoạt giải Nobel, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tốt trong cộng đồng, giúp tác phẩm bán được nhiều hơn. Nhưng đó không phải là kỳ vọng của những người làm sách. “Tôi mong rằng sau Nobel, một tác phẩm đặc sắc như thế sẽ đến với nhiều bạn đọc hơn. Thông qua vị trí Nobel, người ta sẽ vượt qua những ngần ngại ban đầu để cố gắng tiếp cận tác phẩm của ông ấy. Có thể mất thời gian, nhưng chắc chắn sẽ không thất vọng khi đọc”, đại diện công ty sách nói.
Hiện đơn vị này đang trong quá trình làm việc với bản dịch khác của Peter Handke. Dự kiến tác phẩm in vào cuối năm nay.
Trong một đêm tối trời tôi rời khỏi căn nhà tịch mịch của mình kể về một dược sĩ sống ở Taxham với sở thích nghiên cứu các loại nấm, sống tách biệt với vợ con trong chính ngôi nhà nhỏ của mình. "Họ sống tách biệt, mỗi người có khu vực riêng của mình; khi sang khu vực kia phải gõ cửa; ngay cả ở những không gian chung, chẳng hạn như lối vào, hầm, vườn vẫn có những vách ngăn hữu hình và vô hình, và ở những nơi mà điều đó khó thực hiện - chẳng hạn như trong bếp - họ sống lệch pha".
Trong một đêm tối trời, dược sĩ có cuộc gặp gỡ tình cờ tại quán rượu với một cựu vô địch Thế vận hội và một nhà thơ nổi tiếng trước đây. Ba người họ dấn thân vào một hành trình xuyên châu Âu để đến Alps. Dược sĩ bị mất tiếng nói bởi cú ra đòn từ một người phụ nữ lạ mặt - người mà Ngài tài xế-câm lặng tìm kiếm mãi hoài sau đó. Và để kết thúc cho hành trình bí ẩn của các nhân vật, Handke đã thực hiện như nhân vật dược sĩ của mình – bằng cách “Cứ để nó treo lơ lửng như vậy!”, mà chẳng tuân theo những quy tắc thời gian và không gian nào cả.
Nhà văn Trần Nhương từng đánh giá về văn phong tiểu thuyết: Peter Handke viết văn như kiểu nhảy xuống một dòng sông, bơi cùng nhân vật một quãng, sau đó một mình lặng lẽ lên bờ, còn nhân vật của mình lên bờ như thế nào thì bỏ ngỏ/ lửng.
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên nói cuốn tiểu thuyết nhuốm một sắc thái lạnh lùng, phỏng chiếu một châu Âu già nua, đánh mất cảm giác sống. Tác phẩm từng mang về cho Peter Handke giải thưởng Franz Kafka.