Văn bản thuyết minh sau sử dụng những phương pháp gì?
Coraline là một phim được xếp loại PG (Parental Guidance Suggested) tại Mỹ, có nghĩa là phim phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng khuyến cáo phụ huynh nên xem trước rồi mới quyết định có cho con mình xem hay không. Tại Phần Lan, phim xếp loại K7, nghĩa là sẽ không có vé cho trẻ em dưới 7 tuổi vào rạp xem phim này. Điều này có lẽ đã nói lên phần nào sự “đáng sợ” của bộ phim, dù là phim hoạt hình. Những hình ảnh có phần rùng rợn xuất hiện ngay đầu phim trên nền nhạc gần như ma quái mang lại cảm giác ớn lạnh ngay từ những giây phút đầu tiên. Tuy nhiên, đây cũng là điều kích thích người xem tò mò cái gì sẽ xảy ra kế tiếp.
Âm nhạc trong Coraline đưa chúng ta đến với những cung bậc cảm xúc rất khác nhau, như là sự háo hức chờ đón những điều mới mẻ kỳ diệu mà “thế giới sau cánh cửa bí mật” đem lại, hay là sự hồi hộp trước những hiểm nguy cũng chính từ thế giới đó tạo nên. Mọi thanh âm dường như đều vừa khít với tâm trạng của nhân vật, với diễn biến và không khí của bộ phim. Ngoài ra, một điều đặc biệt của những bản nhạc có lời trong Coraline là ngôn ngữ. Mới thoáng nghe qua sẽ có thể tưởng nhầm đó là tiếng Pháp du dương và cuốn hút, nhưng thực chất lại là một thứ tiếng hoàn toàn không mang nghĩa gì cả. Phát hiện này khiến tôi không thể không mỉm cười thú vị.
Được dựng từ một cuốn sách nổi tiếng đã đoạt nhiều giải thưởng, bộ phim đã không hề gây thất vọng bởi những chi tiết được sắp xếp hợp lý dù có đôi phần khác với nguyên gốc tác phẩm. Coraline bản phim hoạt hình được chính những fan hâm mộ của cuốn sách yêu thích, còn những người đã xem phim mà chưa đọc sách thì càng tăng thêm mong muốn được biết Coraline trong sách có thể khác bao nhiêu. Có thể nói, Coraline đã thành công đúng như trông đợi.